>>PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: Lợi dụng niềm tin tâm linh để trục lợi bất chính

Nắm được tâm lí hiếu kì, sự nhẹ dạ cả tin của giới trẻ khi điều kiện về thời gian eo hẹp, cuộc sống, công việc cá nhân nhiều áp lực, nhiều vấn đề về tâm lí, tình cảm, tình yêu, sự nghiệp khó giãi bày chia sẻ, tâm lí ngại đi xem bói trực tiếp trong điều kiện dịch bệnh… khiến họ tìm đến những trang web xem tử vi trực tuyến, mong các thầy “soi” về con đường công danh sự nghiệp, tình duyên, sức khỏe.

Trên mạng xã hội thời gian gần đây đã nở rộ dịch vụ xem bói online để chiều lòng “thượng đế”, với rất nhiều “thầy” livestream, gieo quẻ, xem bói, chữa bệnh bằng bùa ngải, nhất vào buổi tối và ngày cuối tuần.

HIHIH

Cô đồng Trương Thị Hương làm việc với công an. Ảnh CAND

Tối 9/2, thông tin từ Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trương Thị Hương (SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan… không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” với mức phạt tiền là 7,5 triệu đồng. Trương Thị Hương là cô đồng làm “dậy sóng” mạng xã hội những ngày qua với câu nói quen thuộc “đúng nhận, sai cãi” trong các video khi xem bói bằng cách bổ cau.

Những video của Hương sau khi đăng tải đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng. Địa điểm xem bói tại điện nhà cô đồng Hương ở Hiến Thành. Người đến xem sẽ đưa cho Hương lá trầu và quả cau. Sau đó cô đồng này bổ quả cau, rồi nhìn vào đó “phán” về tình duyên, tài vận, sức khoẻ, vận hạn của mọi người ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Được biết, cùng với mức xử phạt hành chính, cơ quan chức năng cũng yêu cầu Hương buộc gỡ bỏ những video cổ xuý các hủ tục, mê tín, dị đoan.

Hay như trường hợp chủ tài khoản Youtube “thầy Long 0984133xxx”. Người này tự xưng “Ngọc Hoàng đại đế”, đã đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước quay video, cắt ghép hình ảnh nội dung phản cảm, tuyên truyền mê tín dị đoan, xuyên tạc vong linh các anh hùng, liệt sĩ, lôi kéo người xem tụ tập, rồi tán phát trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, chủ tài khoản Youtube “thầy Long 0984133xxx”, còn có các tài khoản khác như: Facebook cá nhân “Luong Gia Long (Ghế Mẫu Cửu Trùng)” và Tik Tok “LuongGiaLong”. Ông này đã tán phát trên mạng xã hội 200 video, hàng trăm thông tin, bài viết, hình ảnh… phù phiếm, mê tín dị đoan về dịch Covid-19; xuyên tạc, xúc phạm Đạo Mẫu Việt Nam và các anh hùng, liệt sĩ đã có công với đất nước.

Riêng kênh Youtube “Thầy Long”, ông này giới thiệu số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, giờ “làm việc” để “khách hàng” tiện liên hệ, đã thu hút 110.000 người đăng ký. Có thể nói, ranh giới giữa niềm tin tâm linh và mê tín dị đoan rất mong manh, nếu việc bói toán để trục lợi bị đẩy thành các trào lưu trên mạng xã hội như những trường hợp điển hình trên đây là điều cực kỳ nguy hại.

>>Lật tẩy tổ chức “tà đạo” kinh doanh… tình người – Kỳ I: “Mê hồn trận” ma quỷ, vong linh

Ông Long (bên trái) tán phát clip khoe mình đang xem bói tại nhà cho khách hàng. Ảnh: TL

Hình ảnh ông Long (bên trái) tán phát clip khoe mình đang xem bói tại nhà cho khách hàng. Ảnh: TL

Đáng nói hơn với những “ông đồng, bà cốt”, khi có lượng người theo dõi lớn, được nhiều kẻ tung hô, tin tưởng, một số “thầy” rơi vào trạng thái ảo tưởng, tự phong cho mình quyền phán xét, định đoạt số phận, tương lai người khác, cấu kết với một số cá nhân, phần tử cơ hội để làm những điều phi pháp, đầu độc tâm hồn của không ít người, làm “ô nhiễm” môi trường, đời sống văn hoá, dấy lên những lo ngại về sự băng hoại, xuống cấp của đạo đức xã hội khi không ít kẻ nấp sau chiêu bài tâm linh, phong tục tín ngưỡng để trục lợi niềm tin và tiền bạc của công chúng.

Vẫn biết, nhu cầu sinh hoạt tinh thần, trong đó có hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo là quyền và nguyện vọng chính đáng của người dân, nhưng phải phù hợp với đạo lí truyền thống văn hoá dân tộc và những quy định của pháp luật. Không thể lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng dân gian để mê hoặc, trục lợi người khác, làm hoang mang dư luận, làm nhiều người lo sợ, mất niềm tin vào đời thực, u mê lạc lối trong cõi huyền bí của ma quỷ, thần tiên, đổ lỗi cho số phận, cho tiền kiếp, tổ tông.

Thiết nghĩ, mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những tri thức, kỹ năng, vốn sống, vốn hiểu biết cần thiết để nhận diện, phân biệt được bản chất thật của những câu chuyện, vụ việc liên quan; giữa ranh giới của niềm tin, tín ngưỡng, phong tục truyền thống với mê tín dị đoan, lừa đảo; xây dựng thế giới quan khoa học, vững tin vào cuộc sống, không chạy trốn thực tại.

Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Hướng dẫn công chúng, nhất là giới trẻ kỹ năng sử dụng, tương tác an toàn, lành mạnh, trách nhiệm, đúng chuẩn mực trên mạng xã hội. Xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo; tự do ngôn luận để truyền bá những tư tưởng sai trái, mê tín, dị đoan, dụ dỗ người dân đi theo các nhóm tà đạo, kinh doanh tâm linh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, lối sống của công chúng, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên.

[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]

Đánh giá của bạn:

[wpcc-script type=”text/javascript”]