Để chính sách thuế thu nhập cá nhân không lạc hậu, phù hợp với thực tế phát triển, theo chuyên gia, việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân cần tính đến hài hòa lợi ích của các thành phần trong xã hội…
>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần lưu ý đến lợi ích của người có thu nhập thấp
Theo đó, trong khi đời sống của người nộp thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công ăn lương còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sau 2 năm chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, mức thu từ thuế thu nhập cá nhân lại tỏ ra vượt trội, luôn cao và vượt dự toán, điều đó cho thấy, những quy định của chính sách thuế này hiện nay đã không còn phù hợp, lạc hậu so với thực tế phát triển, tạo gánh nặng cho người nộp thuế.
Thực tế cho thấy, trong năm 2022, số thu từ thuế thu nhập cá nhân trên cả nước đạt 166.733 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 138% dự toán), tức vượt thu tới 48.658 tỷ đồng. Chưa kể, trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần, đạt mức kỷ lục vào năm 2022, trong khi cuộc sống của người nộp thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, nhất là khi giá cả của không ít mặt hàng liên tục “leo thang” thời gian qua.
Trước thực tế đã nêu, nhiều chuyên gia cho rằng, cần cấp thiết thay đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt để phù hợp với biến động thực tế, để người nộp thuế đỡ chật vật hơn trong cuộc sống.
Và đề xuất sửa đổi một loạt quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân ngay lập tức nhận được sự quan tâm của xã hội. Đặc biệt, là việc Bộ Tư pháp cho rằng, nếu dự kiến đến 2026, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cũng có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh và cắt giảm 2 bậc thuế trong tính thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc.
>> Năm 2026 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là quá muộn?
Đề xuất này được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với những thay đổi về đời sống người dân trong thực tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc hạ bậc thuế từ 7 xuống 5 với người làm công ăn lương và thu thuế nhiều hơn từ nhóm thu nhập cao đáng lẽ phải được làm từ sớm.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, biểu thuế với người làm công ăn lương hiện hành có quá nhiều bậc và khoảng cách thu nhập tính thuế ở các bậc sau quá rộng so với các bậc thấp. Ví dụ, thu nhập tính thuế của bậc thứ nhất từ 0 đến 5 triệu đồng trong khi chênh lệch ở thu nhập tính thuế từ bậc thứ 4 lên tới hàng chục triệu (bậc 4 từ 18-32 triệu, bậc 5 từ 32-52 triệu, bậc 6 từ 52-80 triệu). Đây là bất cập, khiến áp lực thuế vô tình dồn vào nhóm thu nhập phía dưới.
Theo ông Được, việc thiết kế bậc thuế mới cần nới rộng khoảng cách giữa các bậc thấp và thu hẹp khoảng cách ở các bậc cao, trong đó, có thể chọn phương án bỏ bớt 2 bậc thuế đầu hoặc gộp 3 bậc thuế đầu tiên làm một. Ví dụ, việc thu hẹp khoảng cách ở bậc về sau, số người có thu nhập cao “nhảy bậc” sẽ nhiều hơn, qua đó, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách.
“Cách làm này sẽ có lợi cho phần đông người có thu nhập trung bình, khá và giúp phân phối lại thu nhập, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Việc giảm bớt bậc thuế cũng được đánh giá là “mũi tên trúng nhiều đích” khi vừa giúp kỹ thuật tính toán đơn giản hơn với cơ quan thuế, vừa giảm bớt gánh nặng thuế với người thu nhập ở top dưới. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Được chia sẻ.
Còn theo TS Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, quy định nộp thuế thu nhập cá nhân hiện nay còn nhiều bất cập về yếu tố công bằng mang tính tương đối giữa các nhóm lao động, giữa thu nhập theo vị trí địa lý. Lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành bốn vùng khác nhau, với mức chênh lệch khá tương đối; giả thiết là với cùng một mức thu nhập nhưng ở các địa bàn khác nhau thì mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau. Ở vùng sâu, vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu, người phụ thuộc là 4,4 triệu, có thể dư dả, nhưng ở vùng thành thị – nơi có mức sống cao, mọi thứ đều đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh như vậy là không đủ sống.
Trong khi trên thực tế, chính sách thuế tại nhiều quốc gia cũng không cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, một phần do họ xác định và khấu trừ được chi phí đầu vào của người dân nhờ thanh toán không tiền mặt phát triển.
“Vì vậy, đã đến lúc, Bộ Tài chính cần thay đổi cách tính mức thuế thu nhập cá nhân. Trong việc điều chỉnh trước hết dựa vào tính thời đại, thực tiễn, công bằng, thực thi. Sau đó, tính đến lợi ích hài hòa của các thành phần trong xã hội. Trong mấy năm vừa qua, khi tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút, rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng việc duy trì mức thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu như hiện nay là bất cập cần khẩn trương tháo gỡ”, TS Lê Xuân Sang bày tỏ.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]