Tạo thói quen cho khách hàng về một sản phẩm có chất lượng mà họ không thể bỏ qua mỗi ngày, là thành công lớn trong bối cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Và Blank Street đã từng làm tốt chiến lược này.
>> Chuỗi cà phê Việt “đổ bộ” vào Mỹ
Tháng 08/2020, một chiếc xe quầy cà phê nho nhỏ màu xanh bạc hà và chạy bằng điện khai trương ở khu dân cư Williamsburg, quận Brooklyn, Thành phố New York, bày bán các loại bánh nướng, bánh mì vòng và cà phê.
Chẳng mấy ai biết đằng sau vẻ ngoài thân thiện của chiếc xe cà phê có tên Blank Street này là cả tấn nghiên cứu thị trường, vốn đầu tư mạo hiểm và công nghệ tiên tiến (và tất nhiên là cả những chiếc máy pha cà phê cao áp tự động).
Chuỗi cà phê mới
Nội dung chính
Đến mùa hè năm nay, những người New York (vốn mê cà phê nhưng lại hay hoài nghi) từ khắp các quận trong thành phố đã để ý nhiều hơn đến chuỗi cà phê Blank Street có số lượng cửa hàng tăng nhanh còn hơn nấm sau mưa. Các cửa hàng Blank Street không còn là những chiếc xe quầy tạm bợ, thay vào đó là mặt tiền nhỏ gọn ở không chỉ các khu dân cư của quận Brooklyn mà còn gần điểm du lịch ở quận Manhattan, các con phố nhộn nhịp của khu trung tâm Manhattan, và cả “thiên đường mua sắm” SoHo. Chỉ trong hai năm, Blank Street đã mở 40 cửa hàng tại New York – nhiều hơn mọi thương hiệu địa phương cạnh tranh khác.
Những người New York sau dịch COVID-19 rất nhạy trước những thay đổi của đường phố, vì vậy sự xuất hiện của hàng loạt cửa hàng Blank Street dễ khiến họ để tâm. Khi những tin tức về việc Blank Street không phải là một thương hiệu độc lập như Variety hay Bean & Bean, mà là một tập đoàn có tham vọng toàn cầu và do chủ sở hữu tư nhân đầu tư, nhiều người trở nên tò mò, thậm chí nghi ngờ thương hiệu này.
>> “Đại chiến” chuỗi cà phê
“Tôi có cảm giác những cửa hàng đi theo tôi ở khắp thành phố, nên cuối cùng tôi cũng tìm hiểu chúng là gì”, một người New York cho biết. Theo cô, cà phê của chuỗi cửa hàng “khá ngon” kèm mức giá phải chăng: một ly latte đá 500ml ở Blank Street giá 4,25 USD, trong khi mức giá cho món này ở Dunkin’ là 3,75 USD, còn ở Starbucks là 5,50 USD.
Tạo thói quen cho khách hàng
Chiến lược “chuyển tò mò sang trung thành” này là một phần trong kế hoạch kinh doanh của hai nhà sáng lập Blank Street gồm Issam Freiha (27 tuổi) và Vinay Menda (29 tuổi), những người theo học đại học ở New York và dấn thân vào ngành kinh doanh cà phê nhờ khởi nghiệp công nghệ, thay vì những chiếc máy pha.
Vốn biết nhau từ hồi học trung học tại trường Quốc tế Mỹ ở Dubai, họ trở thành đồng nghiệp tại một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Manhattan trong khi cùng hoàn thiện nguyên mẫu mô hình kinh doanh cho Blank Street: chuỗi quán cà phê nhỏ, bán giá phải chăng hơn và hiếu khách hơn Starbucks, cà phê ngon hơn Dunkin’, và phổ biến hơn so với bất kì cửa hàng hoặc chuỗi cà phê độc lập nào khác.
Điều này thể hiện qua lời bộc bạch của anh Freiha: “Chúng tôi không cần trở thành thương hiệu cà phê tuyệt hảo nhất bạn từng thưởng thức. Chúng tôi chỉ muốn là thương hiệu cà phê thực sự chất lượng để bạn có thể dùng hằng ngày, mỗi ngày hai lần”.
Đầu tư mạnh
Khác với khung cảnh bạn bè tán gẫu hoặc làm việc với laptop (với Starbucks là tiên phong cho xu hướng này), một cửa hàng Blank Street điển hình là một gian ấm cúng dựng xung quanh những chiếc máy pha cà phê cao áp tự động của hãng Eversys, được thiết kế để phục vụ khách nhanh nhất có thể và giúp người pha chế tập trung vào dịch vụ thay vì cà phê. Vì khách có thể đặt cà phê qua ứng dụng, mỗi ca làm việc ở Blank Street chỉ cần hai nhân viên, và hầu hết cửa hàng đều có diện tích chỉ hơn 30 m2.
Kế hoạch phát triển của Blank Street bao gồm cả chiêu mộ nhân viên điều hành cấp cao từ các thương hiệu quốc tế tăng trưởng mạnh khác như chuỗi cà phê Bluestone Lane và hãng bánh Paris Baguette. Hiện tại Blank Street được định giá 218 triệu USD (theo công ty nghiên cứu thị trường PitchBook), đã có mặt tại thành phố Boston (Mỹ) và thậm chí ra khỏi biên giới xứ cờ hoa với 5 cửa hàng tại London (Anh).
Các nhà sáng lập từ chối đề cập giá tiền mua máy pha cà phê của hãng Eversys – linh hồn trong chiến lược kinh doanh của Blank Street, nhưng dòng máy ShotMaster Pro của hãng máy pha cà phê đến từ Thụy Sĩ này có công suất 700 li espresso/giờ và có giá 50.000 USD, tương đương chi phí một năm thuê một người pha chế ở New York.
Giờ đây, với sự hậu thuẫn to lớn của tự động hóa, Blank Street chật vật nhưng nghiễm nhiên trở thành đề tài tranh luận bất tận về định nghĩa cà phê ngon kéo dài khoảng 2 thập niên vừa qua. Những bước tiến của công ty luôn được các đối thủ theo dõi cẩn thận, và nếu ngành cà phê toàn cầu sẵn sàng tiếp nhận tự động hóa, thì Blank Street chính là bên nắm giữ lợi thế tiên phong, mở ra một kỉ nguyên mới cho toàn ngành.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]